Khác biệt lớn nhất và cũng là khác biệt muôn đời không sửa nổi đã tạo ra cuộc tranh cãi mãi không đi đến hồi kết này.
Vụ ly hôn của vợ chồng Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đang nhận được nhiều sự quan tâm. Tại phiên tòa, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đề xuất phân chia tài sản tỷ lệ 7:3, trong đó ông Vũ nắm 70% và bà Thảo cùng các con nắm 30%. Không hai vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt.
Theo dõi diễn biến của vụ ly hôn, không ít người dùng mạng xã hội đã đưa ra quan điểm cá nhân về vụ ly hôn của một trong những gia đình quyền lực của thương trường Việt. Số đông phái mạnh bênh vực ông Vũ và cho rằng bà Thảo đang tỏ thái độ tham lam, muốn đòi hỏi những thứ không thuộc về mình, trong khi ông Vũ mới là “linh hồn” của Trung Nguyên. Trái ngược lại, rất nhiều chị em đánh giá, ông Vũ có phần “sân si” khi đối xử với người vợ âm thầm đứng sau lưng ủng hộ, góp công góp của để chồng xây dựng sự nghiệp suốt 20 năm qua và cả các con ruột thịt của mình như vậy.
Mỗi người một ý, ai cũng có lý của riêng mình. Khoan bàn về vụ ly hôn, có một điều dễ nhận thấy là ngay chính chúng ta cũng đang mâu thuẫn và nảy sinh những cuộc tranh cãi mãi mãi không đi đến hồi kết. Vậy nguyên nhân là do đâu? Do tính tham lam, sự “sân si” của con người? Hay thực chất là sự khác biệt muôn đời về khái niệm tiền bạc giữa đàn ông và phụ nữ?
Cuộc khảo sát cho 200 cặp vợ chồng với câu hỏi: “Một hóa đơn 100 nghìn và 2 hóa đơn 60 nghìn – cái nào “dễ chịu” hơn?”.
Kết quả thì sao?
Các ông chồng luôn cảm thấy dễ chịu hơn khi bắt họ thanh toán một hóa đơn duy nhất dù có là bao nhiêu, còn những bà vợ thì thích… chia nhỏ hóa đơn ấy ra thành nhiều cái ít tiền hơn. Điều này có thể được hiểu: Tâm lý của đàn ông là sẵn sàng chi cái gì đáng chi, còn phụ nữ lại “ngại” mua những thứ đắt giá. Rõ ràng, trong vấn đề tiền bạc và tài chính, đàn ông và phụ nữ có quan điểm hoàn toàn khác nhau, chính điều này đã dẫn tới nhiều tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có sau này.
Đàn ông thích trông rộng, đàn bà trọng tiểu tiết
Sự khác biệt lớn nhất có lẽ đến từ vai trò khác biệt của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Từ xưa đến nay, đa phần đàn ông là trụ cột gia đình, đặt gánh nặng lo toan kinh tế cho tất cả mọi người trên lưng. Trong khi đó, phụ nữ thường là người quản lý chi tiêu trong sinh hoạt thường ngày, từ chuyện củi gạo dầu muối tới tiền điện, tiền nước, các loại phí dịch vụ nhỏ lẻ. Chính vì vai trò khác nhau như thế, sự quan tâm về vấn đề tiền bạc giữa đàn ông và phụ nữ luôn có sự tách biệt rõ ràng: Một bên thích trông rộng, để ý những cái lớn lao; một bên đi vào tiểu tiết, quản lý từng đồng ra đồng vào nhỏ nhặt. Điều đó cũng đại biểu thiên tính của hai giới: Sự mạnh mẽ của đàn ông và sự cẩn thận của phụ nữ.
Bên cạnh đó, tư tưởng của phụ nữ phương Đông vẫn đặt nặng vấn đề chăm lo cho đời sống gia đình, nuôi dạy con cái và phụ giúp chồng mình quản lý việc trong nhà hơn là nhu cầu độc lập về kinh tế. Để người đàn ông được tập trung phát triển sự nghiệp, phụ nữ sẽ gánh vác toàn bộ gia đình. Việc quản lý tốt nhà cửa, ở bên bầu bạn và ủng hộ chồng con chính là đóng góp to lớn nhất của một người phụ nữ cho thành công của đàn ông.
Phải thừa nhận rằng: “Đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là bóng dáng của người đàn bà”. Mọi sự thành công trong cuộc sống đàn ông đều luôn có sự hỗ trợ hết mình, không biết mệt mỏi của những người vợ. Những ai đã đọc câu chuyện về vợ chồng tỉ phú Jack Ma hẳn sẽ không quên hình ảnh vợ ông, người luôn đồng hành cùng Jack Ma từ những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn. Dù liên tiếp thất bại hết lần này đến lần khác nhưng vợ ông vẫn luôn ủng hộ và tin tưởng vào những quyết định của chồng. Sẽ không dễ dàng với một người phụ nữ khi phải đứng trước lựa chọn giữa sự nghiệp riêng hay lui về làm hậu phương, âm thầm đóng góp phía sau thành công người đàn ông của mình… và lựa chọn nào cũng có cái giá của nó.
Kỳ thực, từ xưa đến nay, có rất nhiều người vì quên tiểu tiết mà hỏng đại sự, nhưng cũng có không ít kẻ vì quá trọng chuyện nhỏ mà mất cơ hội hoàn thành nghiệp lớn. Đời người chính là một dãy các việc nhỏ xếp lại cùng nhau, nếu kịp thời tích lũy, nắm vững kinh nghiệm thì những việc nhỏ tưởng chừng “vụn vặt” ấy sẽ dần dần trở thành nền tảng vững chắc. Đồng thời, có tầm nhìn xa trông rộng mới giúp chúng ta xác định phương hướng chính xác, mục tiêu rõ ràng và cách thức hợp lý để đạt được thành tựu. Không thể vì nhỏ bỏ lớn, cũng đừng vì lớn mà quên nhỏ. Biết kết hợp cả hai lối tư duy với nhau, chúng ta mới biết đâu là điều đúng đắn nhất cho bản thân mình.
Dương Mộc
Theo Trí Thức Trẻ