Tối ngày 23/9/2023, tại Nhà hàng Hà Nội – 319 Tây Sơn, Đống Đa (Hà Nội) rất đông các nghệ sĩ miền Bắc đã dâng hương tưởng nhớ Tổ nghề và tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ấm tình nghệ sĩ” nhằm tri ân, tặng quà các nghệ sĩ lão thành, các nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đến hẹn lại lên, tháng Tám âm lịch hàng năm, các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu lại háo hức dành tình cảm đặc biệt cho ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu. Năm nay, ban tổ chức (BTC) đại diện là Công ty Tổ chức Sự kiện và Biểu diễn Nghệ thuật Linh Tâm tổ chức chào mừng “Ngày sân khấu Việt Nam” được diễn ra rất thành công và đầy ý nghĩa. Cùng với những nhà tài trợ gồm: ông Nguyễn Văn Hoan – Viện trưởng Viện quân dân y Việt Nam; bà Lại Thị Mai Hương – Giám đốc Công ty Hương Liên; bà Nguyễn Phương Ngân – Tổng Giám đốc Công ty di sản Việt; bà Vũ Thị Hồng Hoa – Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Vinh Hoa; bà Quách Thị Thanh Mai – Giám đốc Công ty Maii.Ly; ông Phạm Xuân Trường – Chủ tịch Tập đoàn Tam Phát; ông Vũ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Chuỗi Nhà hàng hải sản Hùng Trường Sa…
Đây là dịp để các nghệ sỹ gặp gỡ, chia sẻ về nghề, về đời và là dịp để tôn vinh các nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp sân khấu, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Thông qua chương trình cũng nhằm tri ân, tặng quà tới các nghệ sỹ lão thành, các nghệ sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Trung ương và thành phố Hà Nội.
Buổi Lễ dâng hương tưởng nhớ Tổ nghề sân khấu có sự góp mặt của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Chủ lễ); NSND Trần Nhượng; NSƯT Trần Đại Mý; Nghệ sỹ Linh Tâm; Ca sỹ Minh Vương; Thục Hiền; Nghệ sỹ Xuân Nghĩa; đạo diễn Bảo Bảo…cùng đông đảo các ca sỹ, diễn viên, nghệ sỹ, khách mời tới tham dự.
Xuyên suốt chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ấm tình nghệ sỹ”, BTC đã tri ân, tặng quà các nghệ sỹ lão thành, các nghệ sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Trung ương và Hà Nội.
Đặc biệt, sự kiện đã thu hút đông đảo nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau cũng như những khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu nước nhà. Với nhiều nghệ sỹ, lễ giỗ Tổ nghề đã trở thành nét đẹp văn hóa của sự tiếp nối thế hệ đi trước, bảo tồn giá trị nghệ thuật của dân tộc.
Phần mở đầu cũng là phần quan trọng nhất của chương trình là lễ dâng hương, dâng hoa lên tổ nghề sân khấu. Đông đảo các nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau về đây tụ hội, dâng lên vị Tổ nghiệp những nén tâm hương. Tục thờ Tổ nghề là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.
Trao đổi với phóng viên, NSND, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Lê Tiến Thọ, cho biết: “Từ nhiều năm trở lại đây, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu 12 tháng 8 âm lịch đã trở thành ngày lễ quen thuộc ở Việt Nam. Cứ đến ngày này, giới nghệ sĩ khắp nơi trên cả nước đều hướng về Tổ nghiệp. Với những nghệ sỹ làm nghệ thuật, ngày này có ý nghĩa tâm linh rất lớn, là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu. Ngày lễ giỗ Tổ chính thức lần đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 12 tháng 8 năm 2010 âm lịch (tức 18/9/2011) tại Nhà hát Lớn Hà Nội”.
Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là hoạt động kỷ niệm nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân, đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ sỹ Linh Tâm – Giám đốc Công ty Tổ chức Sự kiện và Biểu diễn Nghệ thuật Linh Tâm, cho biết: “Những danh nhân có nói những gì mà chúng ta duy trì, giữ lại được thì đó là hồn cốt của dân tộc, thì chúng ta cùng nhau gìn giữ hồn cốt của dân tộc. Trong đó có những biểu hiện của nghệ sỹ hướng tới Tổ nghề về Tổ nghiệp của mình rất là vinh dự”.
Bà Lại Thị Mai Hương – Giám đốc Công ty Hương Liên, chia sẻ: “Thật vinh dự cho nhà hàng Hà Nội, Hồng Hạc – 319 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Năm nay được tiếp đón các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ…hội tụ về lễ giỗ Tổ nghề sân khấu, đây là năm thứ 3 được tổ chức tại nhà hàng thật đông vui, ấm tình nghệ sĩ. Bản thân tôi cho rằng, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu rất ý nghĩa đặc biệt với những người hoạt động nghệ thuật phải cống hiến nhiều hơn, thao thức nhiều hơn để điểm tô cho đời bằng những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, giàu tính nhân văn”.
Quả không ngoa khi nói rằng dịp giỗ Tổ nghề là ngày “Tết đặc biệt” của giới nghệ sĩ. Dù bận rộn đến đâu, các nghệ sĩ cũng thu xếp để về dự giỗ Tổ, dâng nén nhang tưởng nhớ và cầu nguyện Tổ nghiệp phù hộ. Đây cũng là dịp anh chị em đồng nghiệp các thế hệ gặp gỡ nhau, cùng hàn huyên, chia sẻ với nhau nhiều chuyện đời, chuyện nghề. Từ đó cùng nhắc nhở nhau có ý thức hơn và trách nhiệm với nghề.
Tri ân Tổ nghiệp cũng là ngày các thế hệ nghệ sĩ tự soi rọi lại chính mình để có hướng đi đúng, để cống hiến cho đời những hình mẫu lý tưởng về chân – thiện – mỹ.
Một số hình ảnh tại ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu: